Dưới sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số người từng xem phong cách sống tối giản (hay còn gọi là Minimalism) là lý tưởng dần từ bỏ, quay trở lại với bản ngã của chính mình.
Lối sống tối giản chính là phong cách sống đơn giản với số lượng các vật dụng được giảm xuống ở mức tối thiểu, loại bỏ đi những thứ mà bản thân không còn cần thiết. Tuy nhiên trong thời gian giãn cách xã hội phải ở nhà quá lâu, không có đủ điều kiện để đi mua sắm thường xuyên hay dự trữ được nhiều đồ, chính việc loại bỏ mọi thứ này đôi khi mang tới cho người ta cảm giác thiếu thốn, gò bó. Thậm chí những khi cảm thấy cần những đổ đã bỏ đi, lại tiếc nuối mà chậc lưỡi “biết vậy đã không bỏ”. Và sau khi đại dịch lắng xuống, trở lại với đời sống bình thường mới, mọi người sẽ sống trong tâm thế chuẩn bị tốt cho rủi ro, cho rằng lối sống Minimalism không còn hợp thời và quyết định “quay xe”.
Ngược lại, dịch bệnh cũng gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của một số bộ phận khác, buộc họ phải chắt chịu, tiết kiệm hơn sao cho đủ. Từ đó, họ tìm tới Minimalism, lối sống hạn chế mọi thứ này giảm bớt chi tiêu. Bằng một cách nào đó, Minimalism trở thành chân ái mới cuộc đời.
Tuy nhiên, bài viết này dành cho người đã biết đến Minimalism, vì thế tôi sẽ không diễn giải cụ thể 1 khái niệm nào về Minimalism trong bài. Nếu muốn tìm hiểu bạn có thể đọc qua những cuốn sách như “Lối sống tối giản của người Nhật” của Sasaki Fumio, “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản”- của Chi Nguyễn… để biết thêm nhé.
Còn bây giờ chúng ta tiếp tục nào.
Phong cách sống tối giản chỉ là phương tiện
Nếu cho việc trải qua giãn cách trong dịch bệnh một cách nhẹ nhàng là điều may mắn thì tôi chính là một kẻ may mắn. Tuy đâu đó vẫn có một ít dấu hiệu của hội chứng Cabin Fever (Hội chứng không gian hẹp), dĩ nhiên rồi vì 4 người chúng tôi chỉ sống vỏn vẹn trong không gian tầm 30m2 trong nhiều tháng liền.
Bản thân tôi biết tới Minimalism cũng khá lâu. Thông qua nhiều câu chuyện chia sẻ của những người xung quanh và qua đọc sách, tôi nghĩ là mình có cách nghĩ và tiếp cận hơi khác mọi người một chút. Tôi vẫn sử dụng xe máy, máy lạnh, máy chụp hình và thêm một vài vật dụng khác nữa, những thứ được người khác liệt vào danh sách không cần thiết. Thực ra là tôi vẫn chưa đặt ra cho mình một con số cụ thế, rằng mình chỉ nên sở hữu tối đa bao nhiêu món đồ, 50 hay 100 món. Đối với tôi, sống tối giản chỉ đơn giản là việc tối ưu hóa nhu cầu bản thân, biết đủ và sống theo Minimalism như thế nào để bản thân cảm thấy hạnh phúc nhất. Đến đây, có thể nhiều người sẽ phản bác rằng: “Với tôi việc mua món đồ mới điều đó làm tôi cảm thấy nó hạnh phúc, thế tại sao tôi phải cắt giảm?”
Hạnh phúc khi mua món đồ mới là hoàn toàn đúng. Không ai có thể nói dối chính mình là không cảm thấy vui khi có được một món đồ mới đúng ý mình thích. Chính tôi đã từng như vậy, thói quen làm bao nhiêu chi hết bấy nhiêu một cách vô tội vạ. Tôi xem món đồ đó như điều tự thưởng cho thành quả lao động chính mình . Tuy nhiên càng về sau tôi càng cảm thấy tiếc rẻ, hối hận, khó chịu khi mất thời gian dọn dẹp và sắp xếp chúng sao gọn gàng nhất. Và việc đó so với niềm vui sướng ngắn ngủi khi sở hữu được chúng thực sự quá nhỏ bé.
Khi theo đuổi cách sống Minimalism, tôi cắt giảm khá nhiều chi tiêu cũng như bỏ đi rất nhiều vật dụng không cần thiết. Một số đó có thể là những món tôi từng rất quý trọng như: Sách, giày, đồ sưu tầm, thiết bị công nghệ… Ngay lúc viết này trên giá sách tôi chỉ còn 8 cuốn sách giấy dành cho bản thân. Và tất nhiên chúng là những quyển tôi thường xuyên đọc đến. Tôi luôn đi tìm một cuộc sống nhẹ nhàng và đơn giản, để cuối cùng đích đến vẫn hạnh phúc. Vì thế tôi xem Minimalism chỉ là một phương tiện dẫn bản thân mình đến cuộc sống đó.
Minimalism là một phần của cuộc sống
Như đề cập ở trên, tôi hiện vẫn sở hữu không phải quá ít đồ vật. Tôi vẫn đọc sách giấy, đi xe máy, nằm phòng máy lạnh… Đối với tôi, phong cách sống không phải là một cuộc thi, cũng không phải là một buổi huấn luyện kham khổ dài hạn mà nó là phương tiện để bạn sống vui vẻ thoải mái hơn. Thay vì ép bản thân chỉ có 50 món hoặc 30 món, tôi chọn cách dừng lại suy nghĩ trước khi mua món đồ gì đấy.
Nếu quyết định mua áo sơ mi, tôi suy nghĩ xem mình còn bao nhiêu cái áo, nếu mua có dư không. Sau đó sẽ đi vào đúng cửa hàng thời trang quen thuộc và chọn 1 cái. Nếu muốn thử kiểu áo mới, thông thường tôi chọn cái rẻ tiền hơn loại cũ vì nếu thực sự không hợp bản thân tôi sẽ bỏ nó đi và không cảm thấy tiếc lắm. Tuy nhiên, việc này rất ít khi diễn ra.
Tôi vẫn chọn xe máy làm phương tiện di chuyển thay vì đi xe công cộng như người khác khi thực hiện chủ nghĩa tối giản. Bởi vì tôi thấy nó tiện lợi có thể đi làm đi du lịch 1 cách chủ động hơn. Nhưng thay vì chọn xe đắt tiền với mẫu mã đẹp, tôi vẫn ưu tiên chọn xe phù hợp hoặc sử dụng xe cũ nếu nó còn tốt. Cách chọn món đồ khác cũng như vậy.
Đối với tôi sống tối giản không đồng nghĩa với sống kham khổ, cắt giảm vượt mức nhu cầu cần thiết bản thân để rồi chúng ta trở nên bị động trong các tình huống bất ngờ. Cả tuần đi làm mang giày tây và không sử dụng đến sneaker, nhưng thay vì bỏ hết đống sneaker đang có thì bạn vẫn nên giữ lại 1-2 đôi, nếu bạn là người cuối tuần vẫn đi cafe, đi chơi, tiệc… Vì nó không hẳn là không cần thiết bởi bạn không thể mang đôi giày tây công sở với chiếc áo sơ mi trắng, quần âu để đi uống cafe lề đường đám bạn thân. Hay bạn nghĩ bạn sẽ mang đôi giày tây đó với chiếc quần lửng áo thun. Thôi bỏ đi…
Đấy, sống tối giản không có nghĩa kham khổ và bỏ đi nhu cầu thiết yếu bản thân. Điều đó làm bạn ngày càng tệ hơn cũng như sẽ không thể duy trì được lối sống đó quá lâu. Sẽ đúng nghĩa hơn khi sống theo Minimalism, đó là nó sẽ trở thành một phần cuộc sống của bạn chứ không phải chỉ một trend cho bạn làm theo, được một thời gian nhất định rồi vô tình quên mất nó.
Một chút tối giản- một chút Lagom – một chút Hygge
Bổ sung một chút, bản thân tôi vẫn đi tìm cái gọi là “hạnh phúc”. Vì thế tôi chọn cách sống tối ưu nhất nhưng vẫn phải phù hợp với bản thân. Tôi không phải người cuồng tối giản cũng chả phải tuýp người đam mê tiêu dùng. Vì thế tôi chọn cách kết hợp nhiều phong cách sống để mang lại cho tôi cảm giác hạnh nhất. Cụ thể nhất là:
- Một chút Minimalism: Mang đến cảm giác nhẹ nhàng, tự do, tối ưu bản thân, hiểu về chính mình.
- Một chút Lagom: Vừa đủ trong mọi phiên diện cuộc sống (chi tiêu, bạn bè, công việc)
- Một chút Hygge: Ấm áp, hạnh phúc….
Chúc bạn được cuộc sống phù hợp với bản thân mình nhé!
[…] chật chọi hơn, việc dọn dẹp cũng trở nên dễ dàng hơn giúp tôi hướng tới tối giản trong cuộc sống. Ngoài ra, nó giúp bạn cảm thấy đỡ phiền lòng với những cuốn sách mình […]