Nói về việc đọc sách thì đây là lần đầu tôi viết về đề tài này. Mặc dù tôi đã đọc sách, truyện tiểu thuyết cũng đã khá lâu. Tuy nhiên, để nhận ra việc đọc sách thế nào để hiệu quả cho bản thân. Thì tới năm 26 tuổi tôi mới nhận ra được một số nguyên tắc riêng dành cho bản thân và muốn chia sẻ nó với các bạn. Đây là những nguyên tắc dựa trên kinh nghiệm cũng như ý kiến cá nhân. Nó không đại diện cho nguyên tắc chung mọi người. Nếu bạn đang có một trong những nguyên tắc hoặc mẹo hay hơn có thể để lại dưới bình luận để cũng trao đổi nhé
Nguyên tắc 1: Chỉ đọc những cuốn sách mình thích
Đọc một đoạn sách trước khi mua.
Thông thường trước khi mua sách hoặc chọn tải về một cuốn sách tôi thường đọc trước đoạn đầu có thể là thông tin tác giả, đoạn giới thiệu hoặc tóm tắt nội dung sách. Nhưng tôi ít khi đọc thông tin review sách trên các kênh youtube vì đa số thông tin review sách thường tiết lộ quá nhiều nội dung sách đặc biệt là tiểu thuyết hay truyện ngắn. Điều đó làm cho tôi cảm thấy giảm hứng thú, sự tò mò khi đọc sách. Sau đọc đoạn giới thiệu, nếu cảm thấy hứng thú tôi sẽ chọn mua ngay sau đó và dành sự tập trung đọc phần còn lại sau khi sở hữu chúng.
Đừng cố gắng hoàn thành hết cuốn sách nếu bạn không cảm thấy hứng thú với nó
Mặc dù, đã đọc trước phần giới thiệu hoặc tóm tắt từ sách. Nhưng đôi khi tôi cảm thấy cuốn sách đó không phù hợp với mình khi đọc những chương tiếp theo trong sách. Vì thế tôi sẽ kết thúc việc đọc cuốn sách đó sau 2-3 chương nếu tôi cảm giác không phù hợp.
Tôi đã từ cố gắng đọc hết những cuốn sách như thế và nhận ra đối với những cuốn sách không phù hợp với mình. Nó sẽ làm tôi sinh ra cảm giác lừa đọc. Để hoàn thành việc đọc cuốn sách không thích thường kéo dài. Tuy nhiên nội dung cuốn sách được đọng lại thường ít hơn so với những quyển sách được tôi yêu thích . Xem về tính hiệu quả và tiết kiệm thời gian tôi sẽ chọn cách không đọc tiếp và cất đi.
Chỉ để lại những cuốn sách mình thích
Tôi thường xuyên có thói quen tặng hay bán lại những cuốn sách cũ mình không đọc nữa. Việc cho hoặc bán đi những cuốn sách giúp giá sách của tôi ít chật chọi hơn, việc dọn dẹp cũng trở nên dễ dàng hơn giúp tôi hướng tới tối giản trong cuộc sống. Ngoài ra, nó giúp bạn cảm thấy đỡ phiền lòng với những cuốn sách mình từng đọc dang dở vì không thích nội dung đã được nêu ra phần trên.
Cùng với bỏ đi những cuốn sách mình không thích là giữ lại một số cuốn sách mình yêu thích. Nó giúp tôi có thể dễ dàng đọc lại chúng lần thứ 2,3… nhằm tiếp thu tốt hơn cũng như tiếp nhận thông tin cuốn sách theo một cách nhìn khác hơn. Kiểu như bạn đọc cuốn sách “Đắc nhân tâm” năm 17 tuổi sẽ có suy nghĩ về những câu chuyện của Dale Carnegie khác rất nhiều khi đọc lại nó vào năm 30 tuổi. (Nhưng thực tế thì tôi chỉ đọc nó năm 22 tuổi và đã bán nó người thu mua sách cũ cùng năm).
Nguyên tắc 2: Hạn chế mua quá nhiều sách cùng một lúc
Thỉnh thoảng cuối tuần, tôi cùng vợ rủ nhau đi đường sách hoặc một số hội sách do các nhà xuất bản tổ chức. Chúng tôi thường dành cả buổi sáng để tham quan và chọn sách. Cuối cùng chúng tôi ra về với mỗi người 1 cuốn sách. Đôi khi chúng tôi không mua được cuốn sách nào nếu chúng tôi còn một cuốn sách nào đó ở nhà chưa được hoàn thành xong .
Vì với tính cánh của cả tôi và vợ chúng tôi thường không thích nhà có quá nhiều quyển sách chưa đọc. Tôi cảm thấy khó khăn trong việc mỗi ngày lựa chọn nên đọc quyển nào hoặc cảm thấy áp lực với việc còn quá nhiều sách chưa đọc. Nó tạo cảm giác tiêu cực thiếu thoải mái trong việc đọc. Nhiều khi làm bạn chán đọc và chúng vẫn nằm trên kệ như một minh chứng cho tội lỗi việc bạn vung tiền phu phí để mua nó và để chúng đóng bụi trên đó mỗi ngày.
Nguyên tắc 3: Ghi chú lại những gì mình thấy hay
Bạn có khi nào tự hỏi tại sao những bài viết của các nhà báo hay một số người đóng góp nổi bật trên diễn đàn như Spiderum lại có thể dẫn chứng nhiều trích dẫn hay như vậy, nào là báo cáo khoa học, trích dẫn câu nói nổi tiếng của các triết gia , nhà lãnh đạo…vv.
Thực ra yếu tố chính vẫn là thói quen đọc nhiều và note lại những gì họ thấy hay và cần ghi nhớ. Việc não chúng ta nhớ chính xác nhiều thông tin trích dẫn như vậy cùng 1 lúc là việc rất khó, đây tôi không tính bạn là một thiên tài nhé. Nên việc lưu trữ nó vào cuốn sổ hoặc Notion thậm chí là ghi chú thẳng vào sách đễ dễ dàng tìm kiếm khi cần cũng là một ý hay cho bạn…
Nguyên tắc 4: Đọc sách tiểu thuyết, truyện tranh tại sao không?
Việc đọc liên tục sách về thể loại khoa học liên quan đến những thứ mình thích thật ra làm một việc tốt. Tuy nhiên đối với tôi việc đọc sách có nhiều hơn một mục đích là bổ sung thêm kiến thức. Đôi khi nó còn là giải trí, giúp tôi có nhiều trải nghiệm hơn về vốn từ, câu cú, ngữ pháp… và Truyện tranh cũng như tiểu thuyết giúp tôi có được những điều đó.
Truyện tranh thì ta không cần bàn thêm mục dịch giải trí của nó. Còn với tiểu thuyết chúng ta có thể học hỏi được cách tác giả dùng từ ngữ để kể chuyện, cũng như miêu tả cảm xúc không gian thời gian, giúp ta kích thích được sức tưởng tượng cũng như cảm nhận được cảm xúc câu chuyện giúp bạn thoải mái hơn với cảm xúc chính mình. Nếu muốn trải nghiệm điều đó bạn hãy thử tìm đến những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như: cây cam ngọt của tôi , tiếng chim hót trong bụi mận gai hoặc nhẹ nhàng hơn với ToToChan bên của sổ để cảm nhận nhé.
Tạm kết
Tóm lại một người sẽ có một nhu cầu để mua và đọc sách khác nhau. Có những người mua sách để chứng tỏ nhà mình có nhiều sách. Việc có nhiều sách giúp người ta cảm giác mình được đánh giá là người nhiều tri thức. Tuy nhiên muốn đọc sách hiệu quả cũng như thoả mãn những yêu cầu của bản thân thông qua việc đọc sách. Chúng ta vẫn nên xây dụng cho mình những nguyên tắc riêng để nó không còn là một nhiệm vụ, một tiêu chuẩn để đánh giá ta và người khác. Mà đơn giản nó chỉ là một hoạt động một nét văn hoá đẹp ở mỗi người.